(6) ----- QUÝ NHÂN -----
**********************************************
(ảnh st)
Ông Mộc Dịch có người bạn vong niên là Tướng Nguyễn, là một nhà chỉ huy quân sự đại tài, tướng Nguyễn lại có máu văn chương. Còn ông Mộc Dịch chỉ là một nhà báo. Tuy tuổi tác cách xa nhau nhưng hai ông rất tâm đầu ý hợp. Tướng Nguyễn ở một vi-la hai tầng, nhỏ nhắn và khiêm nhường giữa khu vườn sum suê cây trái, rộng ước chừng một sào bắc bộ do quân đội cấp. Thật là cảnh thiên đường, là mơ ước của biết bao nhiêu người Hà Thành.
Đang là mùa xuân, khu vườn nhà tướng Nguyễn ngan ngát hương bưởi hương cam. Ông Mộc Dịch ngó nghiêng một lúc rồi bảo:
- Vườn nhà ông đẹp thế này mà không có lấy một chậu địa lan thì xoàng quá!
Tướng Nguyễn sốt sắng:
- Có chứ, có chứ. Tôi có đến 3 chậu kia mà.
Ông Mộc Dịch khoát tay:
- Tôi nhìn thấy ngay từ lúc bước vào sân nhà ông kia. Nhưng thứ địa lan của ông, ngày xưa các cụ gọi là thứ lan nịnh đời, mùa nào cũng có hoa, cũng thơm.
Tướng Nguyễn bảo: Ông nói thế nào ấy chứ, lan Tứ Quý nhà tôi, của độc đó, hương thơm phải biết, lại mấy lần hoa.
Ông Mộc Dịch tủm tỉm. Ông chả muốn tranh cãi làm mất hứng của người bạn lớn tuổi. Ông Mộc Dịch có cái dáng vẻ bề ngoài cục mịch, quê mùa. Nhưng mấy ai biết, đằng sau cái dáng vẻ đó là cả một sự tinh hoa. Ông có đầu óc thẩm định giống địa lan rất nhạy cảm. Nhạy cảm đến điêu luyện và sành sỏi, chỉ nhìn màu lá xanh đen, xanh đâm, xanh nhạt hay xanh vàng, xanh bóng,….rồi vuốt vuốt cái cạnh nơi giót lá xem độ trơn nháp của nó như thế nào là ông có thể phân biệt được từng loại địa lan. Do vậy, nhiều người cứ lầm tưởng nhà ông Mộc Dịch hẳn phải có một cơ ngơi về địa lan. Xin thưa, ông chỉ có dăm chậu lan rừng, chứ ông đâu có tiền để mua những chậu lan triệu bạc. Bạn bè cùng cảnh nghèo an ủi: lan rừng bây giờ mới là quý bác ạ, trên thế giới, người phương tây họ chỉ săn lùng quý vật hoang dã trong tự nhiên. Ông phì cười, phô hàm răng trắng bóng trông mới hồn hậu, hóm hỉnh làm sao. Ông bảo: mình ít tiền thì phải chịu, lan nhà cũng là lan rừng đấy có điều đã được các cụ tuyển chọn, chăm sóc thuần hoá rồi. Có loại còn trở thành của gia bảo nhà người ta như Đại Mặc nhà cụ Phúc Xuyên ở Sơn Tây, Thanh Ngọc nhà cụ lang Quảng ở Nam Định, Thanh trường, Hoàng Vũ của cụ Chi ở Láng Thượng,……
Đời lạ thật! Người yêu lan biết chơi lan lại không có tiền mua lan. Còn người có chức có quyền chả hiểu gì về lan thì lại được biếu, được cống những chậu lan năm bảy triệu đồng. Họ chơi vãn tuần Tết, hết hoa, chậu lan bị quăng ra một xó xỉnh nào đó. Có thể bị nắng hè đốt cháy hết lá, có thể bị rệp, muội, bị bụi bám kín lá từ gốc đến ngọn, không có chỗ nào thở rồi bị vàng úa, chết rũ, chết rã. Con người ta có thể bị chết sặc, chết chìm,…nhưng chỉ ngắn ngủi dăm bảy phút giây. Chứ đằng này, cây lan bị chết dần, chết thảm trong bụi bặm trong rệp chỉ vì chủ nhân nó vô tâm không xót thương, không thường xuyên lau thân rửa lá…thật là hoài hồng ngâm…..
Tướng Nguyễn chợt khoe với ông Mộc Dịch: đợt vừa rồi có tay giám đốc trại giam cho ông một chậu địa lan. Tay giám đốc trại tù bảo với ông là của gia đình một phạm nhân ở Nam Định cảm ơn cái ơn sâu của Ban giám đốc đã kịp cứu cháu đích tôn của họ thoát khỏi tay bọn đầu gấu nên đem biếu một chậu lan. Họ bảo đấy là lan gia bảo nhà họ. Cái giống này đẻ chậm nhưng hoa đẹp lắm, thơm lắm. Nó sợ không biết chăm thì lụi mất phí quá.
Ông Mộc Dịch tiếc đến buốt ruột vì nghĩ mình cứ chần chừ mãi không đến thăm tướng Nguyễn nên để sểnh mất chậu lan quý. Tướng Nguyễn thản nhiên nói: Chậu lan ấy ông đã cho thằng Tiến rồi. Thằng Tiến là tham mưu trưởng ở sư đoàn của tướng Nguyễn. Gọi là chậu lan quý nhưng nó có lèo tèo 2 ngoe như 2 nhánh tỏi, mãi chả ra hoa, hôm thằng Tiến đến chơi nghe đến chậu lan quý, nó bảo để nó mang về chăm cả thể. Rồi tướng Nguyễn bảo ông Mộc Dịch có rảnh không, chở ông đến nhà thằng Tiến chơi, nhà nó có bốn năm chục chậu lan kìa….
Ông Mộc Dịch mừng rơn, ông sốt sắng rủ tướng Nguyễn đi ngay, biết đâu ông lại có cơ may gặp lại được chậu lan gia bảo. Không phải ngẫu nhiên mà tay giám đốc trại tù lại biếu ông chậu lan quý, bởi tướng Nguyễn từng có ơn sâu đối với hắn. Đi được một lát, tướng Nguyễn chợt nhớ ra điều gì bảo ông Mộc Dịch dừng lại, tướng Nguyễn thủng thẳng nói: Tuần trước có 2 chú ở Nam Định nhảy xe ôm đến nhà tôi hỏi về chậu địa lan đó và nằn nì xin mua lại. Hỏi ra mới biết, mấy năm nay họ đã gạ mua mấy thân lan nhà nọ, họ đã hứa bán nhưng vì ơn sâu với giám đốc tù nên họ đành thất hứa, hẹn họ lần sau. Lần sau là sang năm, sang năm nữa? Cái giống lan quý đẻ chậm lắm. Biết bao giờ mới có bụi lan ấm búi để mà san ra. Họ nôn nóng không thể chờ lâu hơn được nữa, trước nay những tay nghiện lan, mê lan quý đến nhường nào. Thế là họ dông thẳng lên trại tù. Rồi xin địa chỉ của tướng Nguyễn, rồi lại dông thẳng đến nhà thằng Tiến. Họ cần thế, khéo họ mua mất rồi. Ta có đến tay Tiến bây giờ cũng mất công thôi.
Ông Mộc Dịch vốn có tính cương quyết, đã đi là phải đến. Không còn chậu lan quý thì xem lan thường. Thì chơi với ông Tiến. Và có thêm một người bạn chơi lan nữa. Do vậy, ông Mộc Dịch vẫn chở tướng Nguyễn đến nhà ông Tiến.
Nhà ông Tiến có nhiều địa lan thật, nhưng toàn địa lan rừng. Địa lan ở núi Ba Vì có, địa lan ở Tam Đảo, Yên Tử cũng có. Địa lan theo những người tiều phu mà đến nhà ông. Chúng được ông chăm bẵm khá cẩn thận, lá và thân lan đều bóng xanh một lượt. Chẳng phải khó khăn gì ông Mộc Dịch nhận ra ngay chậu địa lan gia bảo mà người ta tặng giám đốc trại tù. Bởi so với các chậu lan trong nhà ông Tiến thì chậu lan đó rất mỏng mảnh, lá lại nhỏ và xanh óng ả trông đài các và yểu điệu như một cô gái đẹp ngơ ngác giữa đám đông.
Trò chuyện một hồi ông Tiến cho hay: mấy hôm trước thủ trưởng giới thiệu cho hai cậu ở Nam Định lên đây. Bước vào vườn em là họ sà ngay đến chậu địa lan này. Họ tinh thế cơ chứ. Họ cứ nằng nặc đòi mua cho bằng được nhưng tôi đâu có bán. Tôi có túng bấn đâu mà bán chậu lan thủ trưởng cho.
Ông Mộc Dịch mừng quá, cứ dán mắt vào chậu lan, ngắm nghía, sờ vuốt từng cái lá lan, chả còn mắt nào mà nhìn ngắm những chậu lan khác trong vườn ông Tiến nữa. Như đoán biết được ý định của chuyến đi, ông Tiến nói thẳng luôn:
- Thủ trưởng có phải muốn nhận lại chậu lan này không?
Tướng Nguyễn phải thú thật về ý định và lòng khao khát của ông Mộc Dịch. Đại tá Tiến cười ha hả:
- Tưởng gì chứ, xong ngay. Nhưng thôi, mời các thủ trưởng vào nhà uống nước cái đã. Tôi có trà Long Tỉnh đây.
Ông Mộc Dịch nghe nói đến trà Long Tỉnh thì mắt sáng rực lên bởi ông được biết người Trung Quốc đánh giá rất cao thứ trà này. Đại tá Tiến nói: Trà Long Tỉnh phải pha với nước suối Hổ mới ngon, cô con dâu mới đi Trung Quốc về, còn chịu khó xách thêm 2 chai nước suối Hổ trong vắt về cho ông. Khớ khớ…trà ngon không có bạn hiền uống thế nào được. Tôi có linh cảm thể nào ngày một, ngày hai thủ trưởng cũng đến thăm tôi. Có cả thêm ông đây nữa, trà tam, rượu tứ,…ông trời khéo sắp đặt quá cơ chứ…khớ khớ…..
Chậu lan gia bảo ở với ông Mộc Dịch chưa ấm chỗ lại phải đến ở nhà người. Ở cơ quan, ông Mộc Dịch có người bạn, ngoài việc cơ quan ra ông chỉ có mỗi thú chơi địa lan. Ông ta tên là Đình Sáng, ông chơi lan không chỉ cho riêng mình bởi có dăm chậu lan ông bày ở hành lang cơ quan. Vừa tiện chăm sóc lúc thư rỗi, vừa làm cho cơ quan xanh sạch đẹp. Ông Mộc Dịch kể chuyện chậu địa lan 2 thân kia, ông Đình Sáng nói ngay: Ông để tôi chăm sóc, tôi chả có thú gì khác ngoài địa lan. Ông Mộc Dịch gật đầu mà lòng vẫn se sẽ tiếc.
Ở cơ quan của hai ông còn có ông Nhị Mộc cũng chơi lan nhưng ông Nhị Mộc chỉ thích phong lan và không bao giờ nặn hầu bao quá 100 ngàn để mua. Kể cũng lạ thật, chả hiểu ông Nhị Mộc chăm sóc thế nào mà mấy giò đai châu của ông đẹp quá, xanh quá, lá to bằng bàn tay dài tới bốn năm chục phân, xanh đen. Ông Mộc Dịch đi nhiều vườn cảnh ở Hà Nội nhưng chưa thấy ở đâu có được giò Đai Châu đẹp đến thế.
Một buổi sáng, thấy hai ông Đình Sáng và Mộc Dịch cứ xuýt xoa vì một cái lá lan gia bảo chả hiểu sao bị gãy. Ông Nhị Mộc cười bảo: mấy bố lạ thật, cái lá địa lan là cái quái gì mà cứ quan trọng hoá. Rễ cây phong lan bảo còn khó ra chứ cái lá gãy thì hết lá này nó lại ra lá khác. Ông Mộc Dịch thầm kêu tận đáy lòng, ông Nhị Mộc ơi là ông Nhị Mộc, ổng ở ngoài cuộc làm sao có thể thấu hiểu được cây địa lan, thấu hiểu được hết nỗi niềm của kẻ trồng lan!
Địa lan Thanh ngọc
Chậu địa lan gia bảo đẻ thêm được một thân và giáp Tết năm Nhâm Ngọ trổ một dò hoa. Ông Mộc Dịch và ông Đình Sáng chăm chú theo dõi từ khi cái mầm hoa vừa bật lên khỏi mặt đất, rồi chăm bẵm, rồi tưới tắm, rồi bắt sâu, rệp. Đến ngày áp Tết, ông Đình Sáng phải đi Sài Gòn. Ở nhà ông Mộc Dịch theo dõi sự phát triển của dò hoa từng ngày, từng giờ. Đó là một dò hoa xanh biếc màu lá thẳng vút, có đến mười lăm nụ phân hoa khá đều. Ông Mộc Dịch cứ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp đài các, uyển chuyển của dò hoa. Từng ngắm hoa thanh trường, cẩm tố, thanh ngọc,…..nhưng chưa lần nào ông được ngắm thứ hoa đẹp đến thế này. Cánh hoa và lưỡi hoa biếc xanh trong như ngọc và ngan ngát hương thơm. Tiếc rằng nó mới nở được có 3 bông thì cậu bảo vệ của cơ quan sợ mất trộm nên bê vào nhà. Ai ngờ, lũ chuột đói cắt đứt dò hoa làm 3 khúc. Ông Mộc Dịch nâng niu dò hoa trên tay thẫn thờ, bất chợt, ông giật mình lo lắng. Ông vừa nhớ đến thứ nước dãi chuột, cái thứ ấy là độc lắm, nó ngang với nọc rắn độc. Nó cắn vào cây địa lan thì khác nào rắn độc cắn vào người. Có điều, nọc chuột nhả ra rất chậm. Nếu không xử lý nhanh thì cả khóm địa lan gia bảo sẽ vàng vọt, héo úa mà chết vì nọc chuột mất. Do vậy, ông vội tìm con dao trổ, cắt dò hoa tận sát thân chỗ bị chuột cắn. Xong đâu đấy, ông cẩn thận lấy thuốc mỡ Pê-nê-xi-lin bôi vào vết cắt.
Ở Sài Gòn ra, ông Đình Sáng nghe chuyện cây địa lan bị chuột cắn thì xót xa lắm. Ngẫm đến những chậu lan còn lại, chắc gì chúng đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Ngậm ngùi ông Đình Sáng bảo ông Mộc Dịch:
- Ông mang chậu địa lan về đi, nó sống ông chăm, nó chết âu cũng là…..
Giờ đây, trông chậu lan quý được cứu chữa kịp thời nên dần dần hồi phục, sớm rửa mặt, chiều lau mình cho nó, ông Mộc Dịch vẫn băn khoăn tự hỏi liệu nó đã yên phận, đứng số hay chưa, hay vẫn còn phải lênh đênh đến bến bờ nào?....
(st)
Nhận xét
Đăng nhận xét