(12) ----- HẠC ĐÍNH -----
****************************************
(ảnh st)
Mấy năm nay, cơ quan nào cũng thấy bàn chuyện hội lớp, hội trường, hội đồng hương, đống tuế. Những cuộc hành hương về cội nguồn, tìm đến thầy xưa bạn cũ. Nhờ vậy, tôi mới có dịp tìm được tung tích cô bạn gái học cùng với tôi từ năm lớp năm cho đến hết phổ thông trung học, lại còn có nhiều năm ngồi cùng bàn với nhau nữa cơ. Nàng có cái tên rất lạ: Phan Nguyễn Hạc Đính. Hạc Đính là tên. Phan Nguyễn là họ cha và họ mẹ. Có lần tôi hỏi nàng: ai đặt tên cho em? Nàng bảo: Ông nội đặt, tên đó là tên một loài địa lan mà nàng chưa nhìn thấy bao giờ. Chả biết có đẹp hay không. Chỉ nghe ông nội nói đó là thứ hoa “đài các cao sang” lắm.
Tôi láu lỉnh đùa: Thế có thơm không?
Nàng bật cười, dứ dứ nắm tay lên trước mặt tôi:
- Nguyễn gian lắm!
Lát sau nàng nói như nhả đạn, gương mặt thanh tú vênh váo nhìn tôi:
- Dĩ nhiên là Hạc Đính thơm tuyệt trần đời. Thơm mãi mãi. Thơm đến đời con, đời cháu, đời chút, đời chít, đời chụt, đời chịt,….đời….đời nhé!
Hạc Đính thông minh lắm, học giỏi đều các môn. Duy chỉ có môn tập làm văn là nàng thua tôi. Những lần điểm kém hơn nàng thường mượn bài của tôi đọc, nhưng tôi vô tâm vênh váo trêu nàng, thế là đôi mắt nàng đỏ hoe. Từ đó, bài tập làm văn nào của tôi cũng kém điểm bài tập làm văn của nàng. Và nàng đã cảm ơn tôi bằng một nụ hôn đánh chụt một cái vào má phải khiến tôi không thể nào quên. Nụ hôn thiêng liêng đó là mở đầu cho một tình bạn không thể phai mờ. Mỗi khi nhớ đến nàng, tôi lại đưa tay sờ lên vết hôn của nàng, dần dà nó trở thành một cố tật.
Rồi chiến tranh lan rộng. Tôi đi bộ đội, bặt vô âm tín về bạn bè. Trở về, tôi đi học khoa Văn trường tổng hợp. Về lại trường xưa lấy bằng tốt nghiệp tôi mới biết thêm một số tin tức, kẻ mất, người còn, đứa đi nước ngoài, đứa làm ông nọ bà kia. Dĩ nhiên, mục đích của tôi về lần này là tìm Hạc Đính. Tôi vẫn yêu nàng. Tôi luôn cảm thấy có hơi ấm nồng nàn của nàng truyền cho tôi nghị lực qua nụ hôn vội vã. Cô giáo Chất cho biết, Hạc Đính vào đại học y, khoá đào tạo cấp tốc cho chiến trường rồi cũng đi bộ đội. Nàng có rất nhiều sáng kiến cứu sống biết bao đồng đội. Rồi nàng bị dính bom bi phải cắt đi mấy khúc ruột, phải tạo hậu môn giả, phải phẫu thuật đến bốn lần. Nhưng đau đớn hơn cả là nàng đã mất đi thiên chức làm mẹ. Sau chiến tranh, Hạc Đính đã giải ngũ, giờ công tác ở đâu cô giáo cũng không biết nữa.
Nghe cô Chất nói, tôi chết lặng cả người. Bao hy vọng mong chờ chồng chất dồn nén trong người tôi mười mấy năm nay phút chốc hẫng hụt. Tôi cầu trời khấn phật cho những lời cô Chất nói không đúng sự thật. Và tôi vẫn cố chờ đợi, lần tìm dấu vết của nàng. Nhưng tôi càng tìm càng vô vọng…..
Ngày họp lớp. Có một ni cô đã chủ động tìm tôi. Đó là một ni cô có dáng người thanh thoát, cặp lông mày phượng cong vút, đôi mắt to và sáng, cái miệng cười tươi. Sư thầy lên tiếng trước:
- Có phải Nguyễn không?
Tôi giật mình, nhìn vị sư thầy vừa lạ vừa quen. Dáng người, cặp mắt, cái miệng, chẳng lẽ lại là Phan Nguyễn Hạc Đính bác sĩ quân y? Chẳng lẽ người trong mộng của tôi là đây? Nàng thoát tục rồi ư? Mấy chục năm đã trôi qua. Thời gian có thể tàn phá hình dáng con người, gương mặt, làn da,…có thể đổi khác chứ đôi mắt, lòng người thì thời gian chỉ làm cho nó đẹp hơn lên. Tôi lúng túng:
- Bạch thầy…thầy….Em là Phan Nguyễn Hạc Đính phải không?
Sư thầy cười ý tứ và kín đáo nói:
- Em là Hạc Đính đây. Vậy là Nguyễn còn nhớ em. Nghe cách xưng hô Nguyễn có vẻ là người mộ đạo.
- Bạch Thầy, từ nhỏ tôi đã có cảm tình với các nhà sư. Tôi cũng chả biết vì sao nữa, nhưng có lẽ do các thầy làm việc thiện và hay cho trẻ con lộc Phật.
- Nguyễn ơi, em là Hạc Đính đây, anh đừng xưng hô xã giao như thế nữa. Anh cứ gọi em là Hạc Đính như ngày xưa đi.
Tôi bối rối, dẫu trong lòng vẫn nén lặng giây phút vỡ oà nhưng sao tôi có thể xưng hô suồng sã như xưa được.
- Bạch….bạch…..thầy…em lấy phật danh là gì?
- Thích Đàm Hiền anh ạ.
- Bạch…thầy…em trụ trì ở chùa nào?
- Đấy, em bảo Nguyễn rồi mà. Nguyễn gọi em là Hạc Đính. Em trông coi một ngôi chùa cách đây năm chục cây số thôi. Hôm nào rảnh, Nguyễn ghé chùa em chơi vãn cảnh chùa nhé.
Rồi Hạc Đính đưa tôi một cái cạc-vi-sít, nàng giải thích do thời buổi kinh tế thị trường, phải ngoại giao nên mới phải làm thế. Tôi đọc những dòng chữ in trên đó bằng tiếng Việt và tiếng Anh ở cả hai mặt:
Ni cô Thích Đàm Hiền - Trụ trì chùa Thiên Đức
địa chỉ: xã…huyện….
Nguyên Thượng uý, bác sĩ ngoại khoa
Cử nhân thần học
Cử nhân văn học.
Chùa Thiên Đức, tức là chùa Mẫu hay chùa làng Đồi là một ngôi chùa lớn, vừa mới được xây dựng lại toạ lạc trên đỉnh một quả đồi cao và sáng nhất vùng. Xung quanh chùa được quy hoạch rất hợp lý. Vòng ngoài là dứa, chè. Ở gần chùa là mít, na, hồng xiêm, vải thiều. Đặc biệt, ở trước cửa chùa có một vườn mẫu đơn đang nở hoa đỏ thắm tựa một tấm thảm khổng lồ vừa được rải ra trong lễ hội. Nắng xuân lấp lánh. Những hạt nước li ti còn đọng trên hoa, trên lá mẫu đơn sáng long lanh khiến tấm thảm đỏ càng thêm rực rỡ, tươi thắm.
Tôi cẩn thận dắt xe vào cổng chùa để khỏi kinh động đến chốn linh thiêng. Hạc Đính ngẩng ra nhìn. Tôi lên tiếng chào:
- A di đà phật!
- Mô Phật
Tôi dựng xe, bước vào vườn mẫu đơn. Hạc Đính ngước nhìn cặp mắt đẹp ý tứ nhìn tôi nói: Âý, xin mời ông vào nhà khách!
- Bạch thầy, tôi chưa từng thấy một vườn mẫu đơn đẹp như thế này. Xin thầy để tôi ở ngoài cho thư thái.
- Vậy thì tuỳ ông.
Hạc Đính vẫy gọi 3 chú tiểu đến giới thiệu tôi. Mọi cử chỉ lời nói của Hạc Đính trước cửa thiền trước học trò khác hẳn hôm họp lớp nàng gặp bạn bè một thuở. Nhờ vậy mà tôi đỡ lúng túng trong cách xưng hô với nàng. Tôi cứ một lời bạch thầy, hai lời bạch thầy. Tôi hỏi:
- Bạch thầy, sao thầy không trồng thêm các loại hoa nữa cho vườn thêm phong phú?
- Thưa ông, đất này chỉ trồng được mẫu đơn thôi. Các thứ hoa khác không thể nào sống nổi. Cây mẫu đơn bất khuất, dẻo dai, càng khô cằn, trời càng nắng hạn, hoa càng đỏ thắm. Tôi nhớ mẹ tôi thường dạy: làm người phải như cây mẫu đơn ấy, ở đâu cũng sống được. Vượt lên bụi rậm, gai góc mà sống, mà đơm hoa đẹp cho đời, chẳng cần phải chăm bẵm, tưới tắm. Sau này, khi bước vào đời với biết bao nỗi gian truân, vất vả, gặp cây mẫu đơn sống mạnh mẽ, hiên ngang, giữa bụi xấu hổ, gai xòng xọng, sim mua, cỏ tranh,…tôi mới thấm thía lời mẹ dạy.
Hai người đang nói chuyện dở thì có một bà hớt hải chạy vào chùa, cầu xin Hạc Đính:
- Bạch thầy, gia đình con xin đựơc ăn mày cửa phật, ăn mày thầy để thầy ra tay tế độ làm phúc ạ, con dâu nhà con nó đẻ ngược. Nó vỡ ối từ sáng sớm, bây giờ đứa trẻ mới thò có 1 cái chân ra cứ tím bầm như quả mùng tơi chín ạ. Cô y tá bệnh xá sợ quá, bảo con lên chùa mời sư thầy ngay kẻo hỏng mất cả con lẫn mẹ. Mẹ con con lạy Phật, lạy tổ, lạy thầy…..
Tôi chưa nghe đến nhà sư đỡ đẻ bao giờ. Hẳn Hạc Đính đã cứu được nhiều người nên người ta mới phải nhờ vả, cẩu khẩn đến vậy. Trong khi chờ Hạc Đính đi cứu người, tôi được thưởng thức thứ nước lá vối của nhà chùa. Qủa thực là tuyệt. Chú tiểu Đàm Thiện cho biết, trước kia, vối hoang mọc nhiều lắm, dọc bờ suối đầy rẫy vối trâu mọc xen với vối quế. Thầy Hạc Đính về cho chặt hết vối trâu, chỉ để lại vối quế. Vối trâu lá mỏng, xanh đậm và to bản, uống hôi và đắng lắm. Còn vối quế lá dày, nhỏ, bóp vỡ giòn tanh tách, uống mát ngọt chứ không cồn ruột như lá vôi trâu. Để được uống thứ lá vối ngon như thế này, Hạc Đính phải chọn đúng giữa trưa nửa ngày Tết Đoan Ngọ, cái lúc mà thằn lằn đi trốn hết ấy mới nhờ người bẻ xuống, phơi tai tái, ủ kỹ cho lên men rồi đem ra suối rửa sạch phơi khô, cất vào bao tải dứa uống dần. Mùa hè thì gia thêm lá mặt quỷ, tiết dê, thượng vĩ, kim ngân để giải nhiệt, tiêu độc. Về mặt ẩm thực, Hạc Đính cẩn thận lắm. Dù là đạm bạc nhưng phải sạch sẽ và cố gắng giữ được hương vị thơm ngon. Hạc Đính là một đảng viên, một người mác xít, một nhà tu hành thông tỏ phật pháp. Có lẽ vì vậy mà Hạc Đính gắn bó với đời chứ không ẩn dật, xa lánh đời. Dân ở vùng chùa Mẫu nghèo lắm, đói chả đủ ăn, bệnh tật khó đều phải nhờ Hạc Đính cứu giúp.
Mải mê câu chuyện với chú tiểu Đàm Thiện thì Hạc Đính về. Chú tiểu vội đỡ bộ dao mổ cho thầy. Hạc Đính dặn trò mang dao mổ đi hấp. Hạc Đính cho tôi biết, ca này đến muộn một chút là hỏng cả mẹ lẫn con. May mà mổ kịp. Đứa trẻ bị tím tái hết cả người, phải hô hấp mãi nó mới khóc được.
Hai người lại tiếp tục đi dạo trong vườn chùa Mẫu. Hạc Đính kể cho tôi nghe về lịch sử chùa Mẫu, trải qua rất nhiều biến cổ lịch sử chùa mới có được như ngày nay. Đầu thập kỷ chín mươi, Hạc Đính được giáo hội phật giáo tỉnh cử về coi sóc chùa Mẫu. Cả làng vừa mừng rỡ vừa lo lắng. Mừng vì chùa đã có sư. Chùa có sư như kim chỉ có đầu, bản vãi có thầy dạy kinh hành đạo. Còn lo vì sư trẻ quá, đẹp quá. Liệu có trọn kiếp tu hành, có hoá Phật được ở làng họ không?
Buổi tối đầu tiên ở chùa, các vãi vừa kéo nhau ra về thì đám thanh niên hư rình rập ở đâu đó liền nhấc cánh liếp che cửa ập vào tán tỉnh Hạc Đính:
- Em ơi, về với anh thôi. Đừng phí tuổi xuân làm gì!
Hạc Đính nói khéo:
- Khuya rồi, các anh về nhà ngủ đi. Ngày mai, ban ngày ban mặt, mời các anh lên chơi. Anh nào thương, tôi sẵn sàng theo.
Đám thanh niên nhao nhao cả lũ:
- Anh, anh thương em nhất. Anh yêu em nhất.
- Em đừng nghe chúng nó xui dại
- Cái mồm thằng ấy hôi lắm em ơi.
Một cậu choai choai đã táo tợn thọc tay vào cổ áo nàng khiến nàng sợ hết hồn. Nàng du cho hắn một cái rồi đẩy liếp vùng chạy ra sân. Một kẻ nào đó quờ tay túm lấy cái khăn bịt đầu của nàng khiến nàng cứ đầu trần mà chạy, vừa chạy vừa kêu thất thanh. Mấy bà vãi chậm chân về sau cùng nghe tiếng kêu cứu chạy ngược lên chùa. Cái cậu choai choai cùng chúng bạn hét rõ to: “ Em ơi, em đừng sợ, đừng sợ!”. Chợt trông thấy mẹ liền chui vào bụi trốn, bị mẹ túm tóc lôi ra đánh cho một trận, rồi xin lỗi Hạc Đính. Ai có ngờ, hơn chục năm sau cậu ta mới lấy vợ. Và hôm nay, vợ cậu đã đẻ ngược.
Hạc Đính đột nhiên mỉm cười sau câu chuyện rồi bứt một bông hoa mẫu đơn, ngắt từng cánh rải dọc lối đi, chúng tôi đã đi ra khỏi chùa khá xa, bởi vậy trong xưng hô, nói năng chúng tôi lại trở về với tình cảm thật của mình. Mới hôm nào Hạc Đính đặt chân lên đất này mà đã ngót chục năm rồi. Thời gian trôi nhanh như gió cuốn. Tôi lặng im nhìn những bông hoa mẫu đơn nhỏ tựa cọng rơm đỏ thắm. Hạc Đính thư thái rắc xuống lối đi như sợ mải vui lạc mất đường về cõi Phật. Nàng tâm sự:
- Nguyễn ơi, Nguyễn có tin, thân xác em ở chùa nhưng tâm tưởng em lúc nào cũng nghĩ về đời và làm việc đời không?
- Anh luôn nghĩ về em và tin em. Phật tổ cũng vì chúng sinh, vì phần đời đó chứ!
- Cảm ơn Nguyễn đã tin em!
- Anh không chỉ tin em và còn rất nhớ em.
Tôi định nói thêm, mỗi lúc nhớ em tôi vẫn sờ tay lên vết hôn của em trên má, nhưng nghĩ sao lại thôi
Hạc Đính dừng chân, quay lại nhìn tôi, đôi mắt lấp lánh cảm kích:
- Thật không Nguyễn? Em cũng nhớ Nguyễn lắm. Nguyễn lấy vợ hồi nào?
- Từ khi không còn hy vọng tìm kiếm em nữa.
- Ôi, thế thì em hạnh phúc quá. Bõ công em thầm mong trộm nhớ Nguyễn.
- Bây giờ còn không?
- Còn. Lúc nào cũng nhớ. Nhớ mãi mãi.
- Nhớ, sao em bặt vô âm tín? Anh tìm em như thể tìm chim. Sao em không viết một lá thư về quê cho anh?
- Vì nhớ Nguyễn nên em không biên thư cho Nguyễn. Em chạy trốn, em sợ….
- Sợ gì?
- Giời ơi, sợ gì ư? Sao Nguyễn ngốc thế? Hay là Nguyễn giả vờ? Hôm họp lớp, nếu em không biết tin Nguyễn đã có vợ con thì em không xuất hiện đâu.
Chúng tôi đang trò chuyện với nhau thì chú tiểu Đàm Thiện chạy vội tới gần báo Hạc Đính biết là gia đình có con đẻ ngược đến dâng lễ tạ Đức Ông. Hạc Đính không đi tắt, nàng khoan thai từng bước theo con đường mòn có những cánh hoa mẫu đơn. Nàng bảo:
- Đã thành lệ, Mỗi khi em chữa được một ca khỏi bệnh, là người nhà lại mang vàng hương lên lễ Phật và tạ Đức Ông. Người ta truyền tụng nhau Đức Ông chùa Mẫu thiêng lắm. Em không phải là người mê muội. Nhưng người dân ở vùng đồi rừng, dân trí còn thấp, phải có một cái gì để họ tin, hãy cứ để họ tin và sự linh ứng thần diệu của Đức Ông. Họ càng tin, em càng cứu chữa người hiệu quả, Nguyễn ạ, Nguyễn đừng vội nghĩ em lợi dụng lòng tin của họ nhé! Em chỉ muốn khơi gợi cái phần tâm linh trong họ thôi. Em nghĩ, phần tâm linh trong con người càng được khơi gợi thì con người càng hay làm điều thiện và sợ làm điều ác. Đó chính là bổn phận của em, của một thầy tu.
Lúc nào Hạc Đính cũng rạch ròi, sắc sảo. Tôi chỉ còn biết cảm phục nàng. Chợt nhớ đến tên nàng là tên một loài hoa tôi hỏi:
- Em đã thấy hoa lan Hạc Đính chưa?
- Em chưa.
- Ở chùa Láng, sự cụ trồng mấy chậu đẹp lắm.
- Trồng lan Hạc Đính có khó không Nguyễn?
- Thứ địa lan này trồng rất công phu. Chỉ một tia nắng hè xuyên qua phên che rọi vào lá là chỗ lá ấy bị cháy khô.
Hạc Đính phá lên cười. Mấy chục năm tôi mới lại nghe tiếng cười giòn giã, hồn nhiên của nàng, tiếng cười chẳng hợp với vị ni cô đắc đạo một chút nào.
- Eo ơi, thế thì em chịu. Em chẳng trồng được lan Hạc Đính đâu. Chùa em chỉ trồng được mẫu đơn thôi!
(st)
Nhận xét
Đăng nhận xét