TẢN MẠN ĐẦU XUÂN VỚI CỎ LINH
__________
Thú chơi dù có cao đẹp đến mấy, uyên thâm đến mấy, thì qua năm tháng cũng sẽ bị mai một và biến chất, kèm với đó là sự pha loãng lan dần vào các thú chơi khác. Phải chăng thú chơi dần sẽ thành nghề chơi ?
Khi giá trị kinh tế lên ngôi thì tất cả mọi giá trị đẹp đẽ nhất của của một thú chơi đều bị chia sẻ qua cho những thứ khác. Điển hình như cái tên gây tranh cãi là Trần Mộng, khi mà những năm 2010-2014 Địa Lan Sapa bỗng nhiên nổi như cồn với cái tên Trần Mộng Sapa. Khi mà Phi Điệp lên ngôi với những cuộc giao dịch nhiều tỷ thì cái khái niệm “Vương Giả Nhất Chi Hương” cũng mặc nhiên được đính kèm, kèm theo đó là mỗi năm có hàng nghìn cái tên mỹ miều được đặt cho các mặt hoa Phi Điệp đột biến. Rồi lại đến lan Kiếm cũng nghiễm nhiên mang cái khái niệm “Quân Tử” thứ mà được coi là “Cốt cách” của Địa lan từ thuở sơ khai của thú chơi.
Thế mới thấy được rằng mọi giá trị dù có là gì đi nữa miễn là không phải những thứ cầm nắm được thì qua năm tháng ắt sẽ bị phai nhoà và pha loãng.
Sự tôn trọng thú chơi - Với bất kể ai, khi đã gắn bó và hiểu được những giá trị mà cổ nhân lưu truyền và đọng lại được tới ngày nay thì ai cũng muốn lưu giữ và phục dựng cũng như duy trì và phát triển, quảng bá để những nét văn hoá đó được nhiều người biết tới và ngày càng khởi sắc hơn. Nhưng khi mà cái văn hoá phong trào, văn hoá khẩu hiệu còn tồn tại thì tất cả những việc đó lại vô tình phá nát những giá trị đã được đóng khung.
Địa Lan cũng vậy! Khi mà thế hệ cha ông không có điều kiện tiếp xúc với nhiều cây hoa đẹp và cái sự mua bán giao dịch còn rất hạn chế vì với họ cái giá trị tinh thần nhiều khi rất khó để định giá. Thì cây Địa lan luôn được nâng niu dù có là cây Tứ Thời hay Hạc Đính. Cụ thể hơn cả là cây Mặc Phúc Xuyên- một cây không phải là xuất sắc nhưng cái giá trị thì lại lớn vô cùng bởi câu chuyện đi cùng nó.
Nhưng ngày nay thì có quá nhiều cây Địa lan đẹp độc lạ được sưu tầm. Cũng bởi vậy mà cái tiêu chuẩn cũng dần bị lệch lạc theo kiểu : Người quân tử của thế kỷ 21 phải khác người quân tử của thế kỷ 18-19 vậy.
Chúng ta đến với Cỏ Linh qua sự cuốn hút từ những câu chuyện cha ông, đi kèm với những giá trị văn hoá. Nhưng khi chúng ta là người chơi thì chúng ta lại đạp những giá trị đó xuống chân mà biến nó thành “Nghề chơi” hoặc chạy đua theo những giá trị xu hướng mà không dựa theo cái cốt cách vốn được gán cho cây Địa từ bao đời. Cái giá trị cốt lõi của thú chơi đã mất từ bao giờ ?
Thú chơi còn tồn tại hay chỉ là nghề chơi ?
Ngày nay bất kể một thú chơi sinh vật cảnh nào, khi đã phát triển đến một mức nhất định thì đều bị phong trào hoá và kinh tế hoá. Dẫn đến có hàng trăm, hàng nghìn người tiếp cận với thú chơi chỉ vì giá trị kinh tế mà không cần hiểu nhiều về cách chơi, cách thưởng lãm. Có một sự thật rất phũ phàng là số lượng người như vậy lại chiếm áp đảo những người còn cố lưu giữ và âm thầm chia sẻ với nhau về cách chơi, văn hoá chơi truyền thống bao đời.
Chính bởi vậy mà những người còn lưu giữ cách chơi truyền thống, và nhất là những bậc tiền bối, họ thu mình lại và để thú chơi đẹp đẽ cho riêng mình ko bị pha loãng giá trị thưởng thức.
Đó là một điều cực kỳ lãng phí cho các thế hệ tiếp theo muốn tiếp cận thú chơi, bởi tất cả những kiến thức, những giá trị tinh thần dường như bị khoá lại và từ từ mất đi theo các bậc tiền bối.
Một bài viết có thể lan man nhưng cũng chỉ là mong muốn thú chơi Địa Lan - Cỏ Linh sẽ được phục dựng mạnh mẽ và lưu truyền cũng như khôi phục được những giá trị văn hoá đã gắn bó với cây Địa Lan bao đời nay.
Chúc cộng đồng Địa Lan luôn bình an, mạnh khoẻ và yêu đời !
Thân ái !
Nhận xét
Đăng nhận xét